PreviousIndexHome


CHƯƠNG 7

THỊ TRƯỜNG CÁC YẾU TỐ SẢN XUẤT  

 

I.         THỊ TRƯỜNG YẾU TỐ SẢN XUẤT CẠNH TRANH HOÀN HẢO  

    I.1. CẦU ĐỐI VỚI YẾU TỐ SẢN XUẤT

  1. Cầu đối với đầu vào khi chỉ có một đầu vào biến đổi  

  2. Cầu đầu vào (hay yếu tố sản xuất) khi nhiều đầu vào biến đổi  

  3. Đường cầu thị trường về yếu tố sản xuất  

    I. 2. CUNG ĐỐI VỚI YẾU TỐ SẢN XUẤT

    I.3. SỰ CÂN BẰNG TRÊN THỊ TRƯỜNG YẾU TỐ SẢN XUẤT CẠNH TRANH  

II.       ĐỘC QUYỀN MUA TRONG THỊ TRƯỜNG YẾU TỐ SẢN XUẤT  

III.  ĐỘC QUYỀN CUNG ỨNG TRONG YẾU TỐ SẢN XUẤT

CÂU HỎI THẢO LUẬN

BÀI TẬP

MỘT SỐ THUẬT NGỮ


 

    Chúng ta đã dành phần lớn nội dung của quyển sách này để nghiên cứu thị trường đầu ra hay thị trường hàng hóa, dịch vụ. Đó là thị trường mà các doanh nghiệp là các nhà cung ứng hay là người bán và người mua là người tiêu dùng. Trong chương này, chúng tôi sẽ mở rộng nội dung của quyển sách này khi đề cập đến thị trường các yếu tố sản xuất. Đó là các thị trường mà trong đó người bán cung ứng các yếu tố sản xuất cho các doanh nghiệp như thị trường lao động, nguyên vật liệu, nhiên liệu, v.v. Chúng ta biết rằng, trong khi hoạt động, các doanh nghiệp phải tham gia vào thị trường các yếu tố sản xuất để lựa chọn các yếu tố sản xuất tối ưu cho hoạt động của mình. Trong mục IV, phần III, chương 4, chúng ta đã nghiên cứu lượng sử dụng đầu vào tối ưu của doanh nghiệp trong trường hợp thị trường các yếu tố sản xuất là cạnh tranh hoàn hảo. Trong chương này, chúng ta sẽ nghiên cứu chi tiết hơn quyết định mua đầu vào của các doanh nghiệp và qua đó, chúng ta sẽ xem xét các quyết định đó phụ thuộc vào các cấu trúc của thị trường yếu tố sản xuất như thế nào.

   

I.         THỊ TRƯỜNG YẾU TỐ SẢN XUẤT CẠNH TRANH HOÀN HẢO

TOP

  Chúng ta đãî quen thuộc với khái niệm và đặc điểm của thị trường cạnh tranh hoàn hảo đối với thị trường đầu ra trong chương 5. Bây giờ, chúng ta sẽ vận dụng những hiểu biết đó vào thị trường yếu tố sản xuất mang tính cạnh tranh hoàn hảo (trong chương này, chúng tôi gọi tắt là thị trường cạnh tranh). Như vậy, thị trường yếu tố sản xuất cạnh tranh là thị trường trong đó có rất nhiều nhà cung ứng các yếu tố sản xuất đồng nhất trong môi trường thông tin hoàn hảo và có sự tự do xuất nhập ngành của các nhà cung ứng. Do vậy, các nhà cung ứng yếu tố sản xuất cũng sẽ là những người chấp nhận giá. Thị trường lao động mà trong đó có sự tham gia của rất nhiều người lao động là một ví dụ điển hình cho thị trường yếu tố sản xuất mang tính cạnh tranh.

I.I. CẦU ĐỐI VỚI YẾU TỐ SẢN XUẤT

TOP

  Chúng ta bắt đầu nghiên cứu cầu thị trường đối với yếu tố sản xuất bằng việc nghiên cứu cầu đối với các yếu tố sản xuất của một doanh nghiệp riêng lẻ nào đó. Sau đó, chúng ta sẽ tổng hợp cầu của các doanh nghiệp riêng lẻ để hình thành nên cầu đối với các yếu tố sản xuất của thị trường giống như chúng ta đã làm trong các chương 3 và 5.

I.1.1.    Cầu đối với đầu vào khi chỉ có một đầu vào biến đổi

TOP

Như đã trình bày trong phần "Lý thuyết sản xuất" (chương 4), chúng ta sẽ xem xét hoạt động sản xuất của một doanh nghiệp với hai đầu vào là vốn (K) và lao động (L). Trong ngắn hạn, chúng ta giả định rằng doanh nghiệp đã có sẵn một số lượng máy móc, thiết bị, nhà xưởng, v.v. nhất định, doanh nghiệp chỉ sẽ quyết định xem nên chọn lựa số lượng lao động là bao nhiêu để tối đa hóa lợi nhuận.

            Do thị trường lao động là cạnh tranh hoàn hảo (nghĩa là có vô số người cung ứng sức lao động) và số lượng lao động mà doanh nghiệp thuê mướn không đáng kể so với toàn bộ số lượng lao động được cung ứng ra trên thị trường nên người lao động - những người cung ứng sức lao động - là những người chấp nhận giá. Do vậy, người lao động sẽ cung ứng sức lao động của mình với mức giá cố định, w. Mức giá (lao động) này được quyết định bởi cung cầu sức lao động trên thị trường. Nói cách khác, doanh nghiệp có thể thuê mướn một số lượng lao động tùy ý mà không làm tăng giá cả lao động (tiền công) trên thị trường. Giá lao động đối với doanh nghiệp đang xét là cố định. Do đó, đường cung lao động SL đối với doanh nghiệp là các đường thẳng nằm ngang tại các mức giá thị trường của lao động. Để tối đa hóa lợi nhuận, doanh nghiệp sẽ thuê mướn lao động cho đến khi giá trị sản phẩm biên của lao động bằng với chi phí biên của việc thuê mướn lao động[1], tức là số lao động đó phải thỏa mãn đẳng thức (4.28) như đã trình bày trong chương 4:

           

                                    MRPL = w.                                                     (7.1)

 

trong đó: MRPL là giá trị sản phẩm biên của lao động[2]w là giá của lao động. Như ta biết, giá trị sản phẩm biên của lao động bằng với tích số của năng suất biên của lao động (MPL) và doanh thu biên của sản phẩm đầu ra (MR). Nghĩa là:

                                   

            MRPL = MPL MR.                                       (7.2)

 

            Do đường MPL dốc xuống khi số lao động được sử dụng trong sản xuất tăng nên đường MRPL (theo L) cũng sẽ dốc xuống. Doanh nghiệp sẽ quyết định sử dụng số lao động tương ứng với giao điểm giữa các đường cung lao động SL nằm ngang tại mức tiền công là w và đường MRPL (hình 7.1). Từ đó, chúng ta cũng thấy rằng đường MRPL cũng chính là đường cầu đối với lao động của doanh nghiệp vì nó biểu diễn số lượng lao động mà doanh nghiệp sẽ thuê mướn ứng với những mức giá lao động nhất định. Thật vậy, khi mức tiền công là w1, doanh nghiệp sẽ sử dụng số lao động là L1 và khi mức tiền công  tăng lên thành w2, doanh nghiệp sẽ giảm số lao động xuống còn L2 để tối đa hóa lợi nhuận. Chúng ta thấy rằng số lượng lao động tối ưu mà doanh nghiệp sử dụng sẽ thay đổi khi mức tiền công thay đổi: mức tiền công tăng, doanh nghiệp sẽ giảm việc sử dụng lao động và ngược lại doanh nghiệp sẽ sử dụng lao động hơn khi mức tiền công giảm.

Đối với thị trường đầu ra cạnh tranh hoàn hảo, một doanh nghiệp sẽ bán hết số lượng sản phẩm của mình theo giá thị trường P và mức giá này không thay đổi đối với doanh nghiệp nên doanh thu biên của doanh nghiệp bằng với giá (MR = P). Do vậy, giá trị sản phẩm biên của lao động của doanh nghiệp bằng với năng suất biên của lao động nhân với giá của sản phẩm P.

            MRPL = MPL P.                                          (7.3)

 

Trong khi đó, đối với thị trường đầu ra độc quyền, nhà độc quyền phải giảm giá để bán ra thêm sản phẩm của mình nên doanh thu biên của mỗi sản phẩm bán thêm của nhà độc quyền nhỏ hơn giá của sản phẩm đó[1] (MR < P). Do vậy, giá trị sản phẩm biên của lao động của doanh nghiệp độc quyền bằng với năng suất biên của lao động nhân với doanh thu biên của sản phẩm (MRPL = MPL MR) sẽ nhỏ hơn giá trị sản phẩm biên của một doanh nghiệp hoạt động trong thị trường cạnh tranh hoàn hảo. Điều này được biểu diễn trong hình 7.2.

Đường cầu lao động của ngành độc quyền đầu ra nằm dưới đường cầu lao động của ngành cạnh tranh đầu ra. Như vậy, với cùng mức tiền công trên thị trường lao động, ngành cạnh tranh sẽ thuê mướn nhiều lao động hơn so với nhà độc quyền. Nói chung, các doanh nghiệp sẽ thuê mướn số lao động tương ứng với giao điểm của đường cung và đường cầu lao động. Ở đó, doanh nghiệp lựa chọn số lao động tối ưu cho mình sau khi cân nhắc giá trị sản phẩm mà lao động tạo ra cho doanh nghiệp và chi phí thuê mướn lao động. Doanh nghiệp sẽ thuê mướn thêm lao động cho đến khi giá trị sản phẩm biên của lao động còn lớn hơn mức tiền công cho lao động đó vì khi đó thuê mướn thêm lao động sẽ làm lợi nhuận của doanh nghiệp tăng lên. Nếu doanh nghiệp sử dụng thêm lao động thì giá trị sản phẩm biên của lao động sẽ giảm. Do đó, doanh nghiệp sẽ lựa chọn số lao động sao cho giá trị sản phẩm biên mà lao động tạo ra bằng với mức tiền công phải trả cho lao động ấy.

Từ đẳng thức (7.1) và (7.2), chúng ta có thể suy ra:

 

                                                            MPL MR = w.                                                           (7.4)

 

Hay:                                         MR = .                                                                (7.5)

 

            Tỷ số giữa mức tiền công trả cho lao động và năng suất biên của lao động trong vế phải của đẳng thức (7.5) cho biết chi phí để tạo ra một đơn vị sản phẩm khi doanh nghiệp thuê mướn thêm một đơn vị lao động hay chúng còn gọi là chi phí biên do mua đầu vào. Chúng ta thấy rằng quyết định về sản lượng đầu ra của doanh nghiệp cũng tương tự như quyết định lựa chọn đầu vào của doanh nghiệp. Đối với thị trường đầu ra, doanh nghiệp lựa chọn mức sản lượng mà ở đó doanh thu biên bằng với chi phí biên (MR = MC). Nguyên tắc này phù hợp cho cả thị trường cạnh tranh và phi cạnh tranh đối với sản phẩm đầu ra.

I.1.2.    Cầu đầu vào (hay yếu tố sản xuất) khi nhiều đầu vào biến đổi

TOP

 

Việc lựa chọn số lượng đầu vào tối ưu của doanh nghiệp sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều khi doanh nghiệp có nhiều yếu tố đầu vào đồng thời thay đổi bởi vì sự thay đổi giá cả đầu vào này có thể làm thay đổi cầu đối với đầu vào kia. Chúng ta hãy xem xét sự lựa chọn số lượng đầu vào của một doanh nghiệp có hai đầu vào cùng biến đổi là vốn (K) và lao động (L).

            Giả sử mức tiền công trên thị trường lao động giảm xuống, doanh nghiệp sẽ thuê mướn nhiều lao động hơn ngay cả khi số lượng máy móc, thiết bị của doanh nghiệp không thay đổi. Tuy nhiên, khi lao động trở nên rẻ hơn, theo đẳng thức (7.5), chi phí biên của việc thuê mướn sẽ giảm đi nên doanh thu biên lúc này lớn hơn chi phí biên. Do vậy, doanh nghiệp sẽ tăng được lợi nhuận nếu gia tăng sản lượng. Khi đó, doanh nghiệp sẽ đầu tư thêm máy móc, thiết bị để mở rộng khả năng sản xuất của mình. Việc tăng cường máy móc, thiết bị có thể làm tăng năng suất biên của lao động và do đó làm tăng giá trị sản phẩm biên của lao động. Đường MRPL của doanh nghiệp, lúc này sẽ dịch chuyển sang phía phải. Cầu đối với lao động của doanh nghiệp sẽ tăng lên.

Hình 7.3 minh họa cầu đối với lao động của doanh nghiệp khi vốn thay đổi. Giả sử mức tiền công trên thị trường ban đầu là w1, doanh nghiệp sẽ thuê mướn số lao động L1 tương ứng với điểm A trên đường MRPL1. Khi mức tiền công giảm xuống đến w2, doanh nghiệp sẽ di chuyển dọc theo đường MRPL1 đến điểm B và thuê mướn số lao động là L'1 trong trường hợp doanh nghiệp không đầu tư thêm máy móc thiết bị. Tuy nhiên, tiền công thấp sẽ thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư thêm máy móc, thiết bị để mở rộng sản lượng và để làm tăng lợi nhuận. Được trang bị nhiều máy móc, thiết bị hơn, năng suất lao động biên sẽ tăng lên, làm đường giá trị sản phẩm biên của lao động dịch chuyển sang phải đến MRPL2. Doanh nghiệp sẽ sử dụng số lao động là L2, tương ứng với điểm C trên đường MRPL2. A C là hai điểm trên đường cầu đối với lao động của doanh nghiệp trong trường hợp vốn thay đổi. Chúng ta thấy rằng đường cầu đối với lao động DL phẳng hơn các đường cầu về lao động khi vốn không đổi. Điều này chứng tỏ rằng trong dài hạn khi đầu vào vốn biến đổi, cầu đối với lao động của doanh nghiệp sẽ co giãn nhiều hơn vì doanh nghiệp có thể sử dụng vốn để thay thế cho lao động và ngược lại.

   

I.1.3.    Đường cầu thị trường về yếu tố sản xuất

TOP

  Trong chương 3, chúng ta đã tổng hợp đường cầu thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ từ đường cầu của từng người tiêu dùng riêng lẻ. Trong chương này, chúng ta cũng sẽ vận dụng những nguyên tắc tương tự để tổng hợp đường cầu thị trường về yếu tố sản xuất từ đường cầu đối với yếu tố sản xuất của các doanh nghiệp riêng lẻ. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý một điều khi tổng hợp đường cầu các yếu tố sản xuất là một yếu tố sản xuất có thể được sử dụng do nhiều ngành khác nhau. Chẳng hạn, lao động có thể được sử dụng ở hầu hết các ngành sản xuất. Do vậy, để hình thành đường cầu thị trường của các yếu tố sản xuất, chúng ta cần thực hiện hai bước. Bước một là xác định cầu về yếu tố sản xuất của mỗi ngành và bước hai là cộng dồn các đường cầu của mỗi ngành theo chiều ngang.

            Để xác định cầu yếu tố sản xuất của từng ngành, chúng ta cần lưu ý đến các vấn đề là sản lượng và giá cả của đầu ra của các doanh nghiệp sẽ thay đổi khi giá cả đầu vào thay đổi. Để việc tổng hợp được đơn giản, chúng ta bắt đầu việc khảo sát ngành chỉ có một doanh nghiệp. Khi đó, đường MRP của doanh nghiệp đối với yếu tố sản xuất đang xét cũng chính là đường cầu yếu tố sản xuất của ngành. Tuy nhiên, khi ngành có nhiều doanh nghiệp thì việc tổng hợp cầu thị trường sẽ phức tạp hơn nhiều vì các doanh nghiệp có thể tác động qua lại lẫn nhau. Để minh họa điều này, chúng ta hãy xem xét cầu lao động khi thị trường đầu ra là cạnh tranh hoàn hảo trong hình 7.4. Khi đó, MRPL của doanh nghiệp sẽ bằng tích số của năng suất biên của lao động (MPL) và giá (P) của sản phẩm.

Giả sử mức tiền công ban đầu là w1 và lượng cầu lao động của doanh nghiệp là L1, tương ứng với điểm A trên đường MRPL1 trong hình 7.4a. Tổng hợp lượng cầu lao động của các doanh nghiệp trong tại mức tiền công này ta được lượng cầu của về lao động tại mức tiền công này là DL1, tương ứng với điểm F trong hình 7.4b. Bây giờ, nếu tiền công giảm xuống thành w2, doanh nghiệp sẽ thuê L'1 lao động tương ứng với điểm B trên hình 7.4b. Lúc này, cầu của ngành về lao động sẽ ở mức D'L1, tương ứng với điểm G trong hình 7.4b.

Tuy nhiên, cầu về lao động không dừng ở đó. Khi giá lao động giảm, các doanh nghiệp trong ngành đồng loạt thuê nhiều lao động hơn, nếu các yếu tố khác không đổi, dẫn đến sản lượng của ngành sẽ tăng lên. Đường cung đầu ra của ngành sẽ dịch chuyển sang phải, làm cho giá đầu ra của ngành giảm. Do vậy, giá trị sản phẩm biên của lao động lúc này sẽ giảm và đường MRPL1 sẽ dịch chuyển sang trái thành MRPL2. Doanh nghiệp sẽ giảm số lao động thuê xuống còn L2, tương ứng với điểm C trên hình 7.4a. Do đó, cầu lao động của ngành sẽ thấp hơn mức D'L1 lúc đầu. Cầu lao động của ngành sẽ giảm xuống ở mức DL2, tương ứng với điểm H trên hình 7.4b. Nối các điểm FH, ta được đường cầu lao động của ngành, như biểu diễn trong hình 7.4a.

Sau khi đã tổng hợp đường cầu lao động của từng ngành, chúng ta tiến đến bước thư hai là cộng dồn theo chiều ngang các đường cầu lao động của các ngành để thành đường cầu lao động của thị trường. Công việc này cũng tương tự như việc tổng hợp cầu thị trường về hàng hóa dịch vụ từ các đường cầu cá nhân của người tiêu dùng mà chúng ta đã thực hiện trong chương 3.

Bằng phương pháp tương tự, chúng ta có thể tổng hợp đường cầu thị trường đối với các yếu tố sản xuất khác khi thị trường đầu ra là cạnh tranh hay phi cạnh tranh. Tuy nhiên, trong các thị trường phi cạnh tranh, việc xác định cầu về yếu tố sản xuất của các ngành sẽ khó khăn hơn nhiều vì các doanh nghiệp có chiến lược định giá đầu ra của riêng mình chứ không chấp nhận giá như trong thị trường cạnh tranh hoàn hảo như chúng ta đã khảo sát trong phần "Cấu trúc thị trường" của quyển sách này.

I.2.CUNG ĐỐI VỚI YẾU TỐ SẢN XUẤT

TOP

  Trong thị trường yếu tố sản xuất cạnh tranh hoàn hảo, các nhà cung ứng yếu tố sản xuất là những người chấp nhận giá và cung các yếu tố sản xuất của mình ở một mức giá cố định. Khi từng doanh nghiệp sử dụng yếu tố sản xuất chỉ tiêu thụ một lượng nhỏ yếu tố sản xuất của cả thị trường, doanh nghiệp có thể thuê mướn một số lượng yếu tố sản xuất tùy ý mà không làm thay đổi giá cả yếu tố sản xuất đó. Khi đó, đường cung yếu tố sản xuất đối với từng doanh nghiệp là đường nằm ngang ở một mức giá cố định của yếu tố sản xuất đó như đã trình bày trong hình 7.1. Hay nói cách khác, cung yếu tố sản xuất đối với từng doanh nghiệp hoàn toàn co giãn tại mức giá của yếu tố sản xuất.

            Tuy nhiên, đường cung yếu tố sản xuất của cả ngành cũng là một đường đi lên từ trái sang phải giống như đường cung hàng hóa, dịch vụ trong thị trường cạnh tranh hoàn hảo mà chúng ta đã khảo sát trong chương 5. Khi các doanh nghiệp cung ứng các yếu tố sản xuất có đường chi phí biên MC dốc lên, doanh nghiệp sẽ lựa chọn số lượng yếu tố sản xuất cung ứng của mình ở mức giá bằng với chi phí biên. Do vậy, giá càng càng tăng doanh nghiệp sẽ cung ứng càng nhiều và đường cung của từng doanh nghiệp cũng như của cả ngành dốc lên.

            Tuy nhiên, khi yếu tố sản xuất là lao động, con người quyết định cung ứng sức lao động của mình nhằm mục tiêu tối đa hóa hữu dụng chứ không nhằm vào việc tối đa hóa lợi nhuận như đối với doanh nghiệp. Điều này có thể dẫn đến đường cung thị trường của lao động dốc lên đến một mức lao động nào đó (LA) nhưng sau đó lại uốn ngược lại ở phía trên như trong hình 7.5. Như vậy, khi mức tiền công tăng lên, ban đầu, người lao động sẽ đồng ý tăng số giờ làm việc lên. Tuy nhiên, khi tiền công đạt một mức nhất định số giờ làm việc của người lao động sẽ giảm xuống bởi vì người lao động sẽ muốn nghỉ ngơi nhiều hơn và làm việc ít đi khi thu nhập cao hơn.

Trong hình 7.5, khi mức tiền công nhỏ hơn wA, người lao động sẽ muốn làm việc nhiều hơn để kiếm được thu nhập cao hơn nhưng khi mức tiền công vượt quá wA, người lao động sẽ giảm số giờ làm việc để dành nhiều thời gian hơn cho nghỉ ngơi, giải trí. Chúng ta sẽ sử dụng nguyên tắc tối đa hóa hữu dụng của cá nhân để giải thích tại sao đường cung lao động lại có hình dạng như trên.

            Tiền công cho công việc chính là chi phí cơ hội hay là giá cả của việc nghỉ ngơi vì cá nhân phải hy sinh thời gian nghỉ ngơi để có được số tiền công này. Khi tiền công tăng lên, giá của việc nghỉ ngơi sẽ tăng. Khi đó, hiệu ứng thay thế[1] sẽ xảy ra. Do giá của sự nghỉ ngơi cao hơn nên người lao động có xu hướng thay thế một số giờ nghỉ ngơi bằng một số giờ làm việc. Cá nhân sẽ dành nhiều thời gian cho làm việc hơn. Tuy nhiên, tiền công cao hơn làm cho thu nhập của cá nhân tăng lên. Với mức thu nhập cao hơn, cá nhân sẽ mua nhiều hàng hóa, dịch vụ hơn trong đó có cả sự nghỉ ngơi. Do đó, hiệu ứng thu nhập[2] xuất hiện. Thu nhập càng cao sẽ khuyến khích cá nhân "mua" nhiều thời gian cho sự nghỉ ngơi hơn và do vậy giảm giờ làm việc. Khi hiệu ứng thu nhập vượt quá hiệu ứng thay thế thì số giờ làm việc của cá nhân sẽ giảm đi khi tiền công tăng. Đường cung lao động của cá nhân sẽ uốn ngược. Hình 7.6 minh họa quyết định cung ứng sức lao động của cá nhân.

Một cá nhân có 24 giờ/ngày để phân phối cho hai hoạt động là làm việc và nghỉ ngơi. Giả sử mức tiền công ban đầu là 20 ngàn đồng/giờ, cá nhân có thể kiếm được 480 ngàn đồng/ngày nếu dành toàn bộ thời gian trong ngày để làm việc, ngược lại cá nhân dành cả 24 giờ trong ngày để nghỉ ngơi và không nhận được một đồng thu nhập nào cả. Đường ngân sách của cá nhân, lúc này, là đường AF. Cá nhân lựa chọn kết hợp tại điểm C để sử dụng thời gian trong ngày của mình, trong đó, cá nhân dành 8 giờ (= 24 giờ - 16 giờ) để làm việc và nhận được 160 ngàn đồng/ngày và 16 giờ nghỉ ngơi. Khi tiền công tăng lên thành 40 ngàn đồng/giờ, cá nhân có thể kiếm được 960 ngàn đồng/ngày nếu dành toàn bộ thời gian trong ngày để làm việc và, ngược lại, cá nhân này cũng chỉ có thể có tối đa 24 giờ để nghỉ ngơi. Đường ngân sách của cá nhân, bây giờ, là A'F. Hiệu ứng thay thế sẽ xuất hiện. Để giữ mức hữu dụng như cũ, cá nhân sẽ di chuyển dọc theo đường bàng quan U0 về phía bên trái đến điểm C', nghĩa là cá nhân này dành nhiều thời gian cho làm việc hơn (12 giờ) và giảm thời gian nghỉ ngơi (12 giờ) vì giá cả của việc nghỉ ngơi trở nên đắt đỏ hơn. Tuy nhiên, do tiền công lao động tăng cao, hiệu ứng thu nhập mạnh hơn hiệu ứng thay thế làm tăng số giờ nghỉ ngơi lên thành 18 giờ và giảm số giờ làm việc xuống còn 6 giờ (điểm C''). Cá nhân kiếm được nhiều tiền hơn (240 ngàn đồng/ngày) và có nhiều thời gian nghỉ ngơi nên mức hữu dụng đạt được cao hơn, U1.

Trong thực tế, chúng ta thấy hiện tượng này là khá phổ biến. Một số người có tiền lương cao sẽ dành nhiều thời gian cho nghỉ ngơi, tham gia các hoạt động giải trí. Việc tăng tiền lương sẽ giúp những người này đạt được một mức thu nhập dự định nhanh hơn. Do vậy, tiền công càng cao có thể làm cho nhiều người giảm số giờ làm việc.

 

I.3. SỰ CÂN BẰNG TRÊN THỊ TRƯỜNG YẾU TỐ SẢN XUẤT CẠNH TRANH

TOP

  Cũng giống như những thị trường khác, thị trường yếu tố sản xuất cạnh tranh cân bằng khi cầu đối với yếu tố sản xuất bằng với cung đối với yếu tố sản xuất đó. Mức giá của yếu tố sản xuất mà tại đó cầu và cung đối với yếu tố sản xuất bằng nhau được gọi là mức giá cân bằng và thị trường yếu tố sản xuất sẽ có xu hướng ổn định tại mức giá cân bằng. Hình 7.7 mô tả sự cân bằng trên thị trường lao động khi thị trường đầu ra là cạnh tranh và độc quyền.

Trong thị trường lao động cạnh tranh và thị trường đầu ra cũng cạnh tranh, mức tiền công cân bằng được xác định tại giao điểm EC của đường cung SL và cầu đối với lao động MRPL. Khi thị trường đầu ra là độc quyền và thị trường lao động là cạnh tranh, đường MRPL thấp hơn so với đường P.MPL bởi vì doanh thu biên của nhà độc quyền nhỏ hơn giá. Cân bằng trên thị trường lao động xảy ra tại điểm EM. Khi đó, mức tiền công cân bằng là wM và số lượng lao động được thuê mướn là LM. Do vậy, giá trị sản phẩm biên của người lao động vM lớn hơn mức tiền công mà nhà độc quyền trả.

II.       ĐỘC QUYỀN MUA TRONG THỊ TRƯỜNG YẾU TỐ SẢN XUẤT

TOP

  Trong một số trường hợp, doanh nghiệp không phải là người chấp nhận giá khi mua các yếu tố sản xuất. Đó có thể là trường hợp doanh nghiệp là một khách hàng lớn của những loại đầu vào đặc biệt nào đó. Chẳng hạn, Tổng công ty Bưu chính viễn thông là nơi thuê mướn phần lớn các kỹ sư viễn thông ở nước ta; các trạm thu mua cá tra, ba sa nguyên liệu của công ty Agifish ở An Giang thu mua phần lớn lượng cá nguyên liệu của các ngư dân trong vùng, v.v. Các doanh nghiệp này có sức mạnh độc quyền mua trên thị trường yếu tố sản xuất. Họ có thể thỏa thuận với những nhà cung ứng yếu tố sản xuất để được cung ứng với giá thấp hơn so với những người mua riêng lẻ khác. Bây giờ, chúng ta sẽ xem xét quyết định mua yếu tố sản xuất của doanh nghiệp có sức mạnh độc quyền mua.

            Để đơn giản, chúng ta xem xét trường hợp doanh nghiệp là người mua duy nhất một loại yếu tố sản xuất nào đó, chẳng hạn như lao động. Lúc này, đường cung lao động trên thị trường cũng chính là đường cung lao động đối với doanh nghiệp. Thông thường, đường cung này dốc lên về phía phải, chứ không hoàn toàn co giãn như trong trường hợp doanh nghiệp chấp nhận giá như ở phần trên. Do vậy, doanh nghiệp phải trả mức tiền công cao hơn nếu muốn thu hút nhiều lao động hơn. Doanh nghiệp chẳng những trả tiền công cao hơn cho người lao động biên mà còn cho những lao động đã thuê từ trước. Chi tiêu biên[1] cho lao động (MEL) sẽ cao hơn mức tiền công đó. Chúng ta có thể minh họa điều này bằng biểu thức toán học như sau. Tổng chi phí cho lao động là wL.  Do vậy, chi phí tăng thêm do thuê mướn thêm một lao động hay chi tiêu biên (MEL) là:

 

            .                                                                              (7.6)

 

Trong thị trường yếu tố sản xuất cạnh tranh, w/L = 0, nên chi tiêu biên cho lao động (MEL) bằng với mức tiền công trên thị trường, w. Tuy nhiên, nếu đường cung lao động dốc lên, w/L > 0; khi đó, chi tiêu biên (MEL) sẽ lớn hơn mức tiền công (w). Do vậy, đường chi tiêu biên đối với lao động sẽ ở phía trên đường cung đối với lao động của doanh nghiệp. Hình 7.8 mô tả quyết định lựa chọn đầu vào lao động của doanh nghiệp có sức mạnh độc quyền mua.

Khi doanh nghiệp có sức mạnh độc quyền mua, đường chi tiêu biên MEL sẽ nằm phía trên đường cung lao động. Để tối đa hóa lợi nhuận, doanh nghiệp sẽ lựa chọn số lao động mà ở đó giá trị sản phẩm biên MRPL bằng với chi tiêu biên MEL  đối với lao động. Do vậy, doanh nghiệp sẽ chọn số lao động là LM, tương ứng với giao điểm của đường MRPL và đường MEL. Mức tiền công mà doanh nghiệp phải trả là wM. Chúng ta thấy rằng số lao động mà doanh nghiệp thuê ít hơn so với doanh nghiệp trong thị trường cạnh tranh hoàn hảo (LC) và mức tiền công mà doanh nghiệp trả cũng thấp hơn so với thị trường cạnh tranh, wC. Doanh nghiệp đã giới hạn cầu đối với các yếu tố sản xuất do vị trí độc quyền của mình trên thị trường và trả giá thấp hơn.

III.       ĐỘC QUYỀN TRONG CUNG ỨNG YẾU TỐ SẢN XUẤT

TOP

  Sự độc quyền cũng có thể xuất hiện trong việc cung ứng các yếu tố sản xuất. Chẳng hạn, Microsoft cung ứng gần như toàn bộ các phần mềm văn phòng cho các doanh nghiệp ở Hoa Kỳ và trên cả thế giới. Chúng ta cũng có thể xem ngành công ích ở nước ta như điện, nước, bưu chính viễn thông, v.v. là các nhà độc quyền trong cung ứng các yếu tố sản xuất cho các doanh nghiệp. Quyết định cung ứng của các nhà độc quyền trong các lĩnh vực này cũng giống như của các nhà độc quyền cung ứng đầu ra mà chúng ta đã khảo sát trong chương 6. Nhà cung ứng độc quyền có thể lựa chọn cung ứng một mức sản lượng nào đó để đạt được mục tiêu hoạt động của mình như tối đa hóa lợi nhuận hay tối đa hóa doanh thu. Khi đó, nhà cung ứng độc quyền cũng chịu sự đánh đổi giữa giá cả và sản lượng. Với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, nhà cung ứng độc quyền có thể thu được lợi nhuận độc quyền do vị thế độc quyền của mình và doanh nghiệp có thể duy trì được lợi nhuận đó miễn là không có sự nhập ngành của các nhà cung ứng mới.

            Chúng ta sẽ khảo sát một trường hợp đặc biệt: doanh nghiệp cung ứng và doanh nghiệp sử dụng yếu tố sản xuất đều là các nhà độc quyền. Chúng ta gọi trường hợp này là độc quyền song phương, nghĩa là trên thị trường chỉ có một doanh nghiệp cung ứng yếu tố sản xuất và cũng chỉ có một doanh nghiệp mua các yếu tố sản xuất đó. Khi đó, sự cân bằng  của thị trường sẽ khó xác định. Mỗi doanh nghiệp có thể áp đặt những điều kiện để đạt được kết quả thuận lợi cho riêng mình. Như vậy, sự dàn xếp trên thị trường sẽ phụ thuộc vào khả năng đàm phán của các bên. Hình 7.9 mô tả thị trường mà trong đó nhà cung ứng yếu tố sản xuất độc quyền cung ứng cho nhà độc quyền mua yếu tố sản xuất đó. Nhà cung ứng độc quyền sẽ muốn chọn mức sản lượng mà tại đó chi phí biên (MC) của nó bằng với doanh thu biên (MR). Doanh nghiệp sẽ chọn mức sản lượng cung ứng là Q1 và bán với giá là P1. Sự cân bằng đối với nhà độc quyền cung ứng xảy ra ở điểm E1. Trong khi đó, nhà độc quyền mua lại muốn mua số lượng Q2, tương ứng với giao điểm E giữa đường cầu đối với yếu tố sản xuất D và đường chi tiêu biên ME của doanh nghiệp để tối đa hóa lợi nhuận. Khi đó, doanh nghiệp độc quyền mua sẽ trả mức giá P2. Điểm cân bằng của nhà độc quyền này xảy ra ở điểm E2.

            Do vậy, trong thị trường độc quyền song phương kể trên, ý định của người mua và người bán đối lập với nhau. Cả E1 E2 không thể là điểm cân bằng của thị trường và các bên phải đàm phán với nhau để đi đến giải pháp. Bên nào có khả năng tìm kiếm thêm thị trường cho đầu ra hay đầu vào của mình, hay có thể áp đặt quyền lực lên đối tác sẽ có lợi thế hơn trong đàm phán hơn, mức giá và sản lượng sẽ được dàn xếp ở gần với mức tối ưu của bên ấy hơn.

 

CÂU HỎI THẢO LUẬN

TOP

 

1.      Tại sao đường giá trị sản phẩm biên của một yếu tố sản xuất của một doanh nghiệp là đường cầu đối với yếu tố sản xuất đó của doanh nghiệp khi thị trường yếu tố sản xuất là cạnh tranh hoàn hảo?

2.      Tại sao đường cầu lao động của một doanh nghiệp độc quyền lại kém co giãn so với của một doanh nghiệp cạnh tranh đầu ra?

3.      Hãy sử dụng lý thuyết về hành vi của người tiêu dùng để chứng minh đường cung lao động là đường cong uốn ngược lại.

4.      Hãy so sánh sự lựa chọn đầu vào của một doanh nghiệp độc quyền mua và của một doanh nghiệp cạnh tranh đầu vào.

5.      Điều gì sẽ xảy ra đối với cầu của một yếu tố sản xuất khi việc sử dụng yếu tố sản xuất khác bổ sung tăng lên?

6.      Một thị trường yếu tố sản xuất cạnh tranh có hàm số cung yếu tố sản xuất là QS = a + bP (b > 0). Một nhà độc quyền mua đối với yếu tố sản xuất này có hàm cầu đối với yếu tố sản xuất đó là QD = MRP = c + dP (d < 0). Hãy tìm số lượng yếu tố đầu tối ưu của doanh nghiệp độc quyền mua này.

7.      Tại sao trong độc quyền song phương, sự dàn xếp về giá cả và sản lượng yếu tố đầu vào phải dựa vào kỹ năng đàm phán của các bên?

8.      Hiện tại, Bưu chính viễn thông là ngành độc quyền đầu ra và là nhà độc quyền thuê mướn các kỹ sư viễn thông. Điều gì sẽ xảy ra đối với tiền công của các kỹ sư viễn thông nếu ngành Bưu chính viễn thông chuyển sang ngành cạnh tranh?

9.      Hãy dùng kiến thức về giá trị sản phẩm biên để giải thích các hiện tượng sau:

  1. Tiền cat - xê của một ngôi sao ca nhạc là 2 triệu đồng cho sô diễn 15 phút. Trong khi đó, một giáo viên được hưởng 50 ngàn đồng cho một buổi dạy.
  2. Một máy bay phản lực lớn chở 400 hành khách được đặt giá cao hơn loại 250 hành khách, mặc dù cả hai loại có chi phí chế tạo như nhau.
  3. Giám đốc của một công ty đang bị thua lỗ được trả tiền để anh ta không làm việc nữa trong hai năm cuối hợp đồng của anh ta.

10.  Cầu về các yếu tố sản xuất được liệt kê đã tăng lên. Bạn có thể kết luận gì về những thay đổi của cầu đối với các hàng tiêu dùng liên quan? Nếu cầu về hàng tiêu dùng không thay đổi, có thể có cách nào khác đối với việc tăng cầu đầu vào đối với những mặt hàng đó?

  1. Bộ nhớ máy tính.
  2. Nhiên liệu cho máy bay chở hành khách.
  3. Giấy dùng để in báo.
  4. Nhôm dùng đóng hộp đồ uống.

 

BÀI TẬP

TOP

 

1.      Giả sử hàm sản xuất của một doanh nghiệp là Q = 12L - L2, với L biến đổi từ 0 - 6. Trong đó, L là số lao động sử dụng trong ngày và Q là sản lượng mỗi ngày. Hãy thiết lập hàm số cầu đối với lao động của doanh nghiệp nếu sản phẩm của doanh nghiệp bán với giá 10 USD trên thị trường cạnh tranh. Doanh nghiệp đó sẽ thuê bao nhiêu lao động khi mức tiền công là 30 USD/ngày, 60 USD/ngày?

2.      Giả sử hàm số cầu và cung về lao động là:

L = -50w + 450  

L = 100w

a.       Xác định mức tiền công và số lượng lao động cân bằng trên thị trường.

b.      Giả sử chính phủ muốn nâng mức tiền công cân bằng lên 4 đvt bằng cách trợ cấp cho ông chủ trên đầu mỗi lao động được thuê. Chính phủ cần trợ cấp bao nhiêu? Điểm cân bằng mới là gì?

c.       Thay vì trợ cấp, chính phủ quy định mức tiền công tối thiểu là 4 đvt. Lượng cầu lao động là bao nhiêu?

d.      Hãy vẽ hình.

3.      Giả sử thị trường cho thuê xe hơi (dùng cho các doanh nghiệp) là cạnh tranh hoàn hảo, có hàm số cầu và cung như sau:

K = 1500 - 25v

K = 75v - 500

a.       Mức cân bằng của vK trên thị trường là bao nhiêu?

b.      Giả sử do lệnh cấm vận về xăng dầu, giá gas tăng mạnh. Do vậy, doanh nghiệp phải quan tâm đến giá gas khi quyết định thuê xe. Cầu về thuê xe của họ bây giờ là:

K = 1700 - 25v - 300g

trong đó g là giá gas. Mức cân bằng của vK trên thị trường là bao nhiêu nếu g = 2 3? Cho nhận xét về kết quả tìm được.

4.      Một người chủ đất có 3 mảnh ruộng có độ phì nhiêu khác nhau. Mức sản lượng của 3 mảnh ruộng tương ứng với số lao động được cho như sau:

Số lao động

Sản lượng

 

Mảnh 1

Mảnh 2

Mảnh 3

1

10

8

5

2

17

11

7

3

21

13

8

a.       Nếu điều kiện thị trường khiến người chủ đất thuê 5 lao động, người chủ đất sẽ phân bố lao động như thế nào? Sản lượng là bao nhiêu? Năng suất biên của lao động cuối cùng là bao nhiêu?

b.      Nếu sản phẩm được bán trên thị trường cạnh tranh hoàn hảo với giá bán là 1 đvt, và thị trường lao động cân bằng với số lao động được thuê là 5, tiền công sẽ là bao nhiêu? Người chủ đất sẽ nhận được bao nhiêu lợi nhuận?

5.      Giả sử có 1000 doanh nghiệp giống nhau trong thị trường ống bê tông cạnh tranh hoàn hảo. Mỗi doanh nghiệp sản xuất một phần bằng nhau trong tổng sản lượng của ngành, và hàm sản xuất đối với ống bê tông của mỗi doanh nghiệp là:

Hàm số cầu thị trường đối với ống bê tông là

                                                Q = 400.000 - 100.000P,

trong đó Q là tổng sản lượng ống.

a.       Nếu w = v = 1, mỗi doanh nghiệp sẽ sử dụng KL với tỷ lệ nào? Chi phí trung bình và chi phí biên dài hạn của việc sản xuất ống là gì?

b.      Trong cân bằng dài hạn, giá và sản lượng cân bằng của ống sẽ là gì? Mỗi doanh nghiệp sản xuất bao nhiêu? Mỗi doanh nghiệp sẽ thuê bao nhiêu lao động? Lượng cầu thị trường đối với lao động là bao nhiêu?

c.       Giả sử tiền công tăng lên thành 2 và giá vốn giữ nguyên. Điều này sẽ làm thay đổi tỷ lệ vốn - lao động đối với mỗi doanh nghiệp như thế nào? Nó tác động đến chi phí biên ra sao?

d.      Theo điều kiện của câu c, sự cân bằng dài hạn của thị trường là gì? Ngành ống bê tông sẽ thuê bao nhiêu lao động?

6.      VT là doanh nghiệp may mặc trên một hòn đảo biệt lập và là nơi thuê lao động duy nhất đối với dân đảo. VT sẽ hoạt động như một nhà độc quyền mua. Hàm cung đối với lao động may mặc là:

L = 80w,

Hàm cầu lao động (giá trị sản phẩm biên) của VT là:

                                                            L = 400 - 40MRPL.

a.       VT sẽ thuê bao nhiêu lao động để tối đa hóa lợi nhuận và trả tiền công bao nhiêu?

b.      Giả sử chính phủ ban hành luật tiền lương tối thiểu. VT sẽ thuê bao nhiêu lao động và có bao nhiêu người thất nghiệp nếu tiền lương tối thiểu là 4 đvt.

c.       Hãy vẽ hình minh họa.

d.      Việc áp đặt tiền công tối thiểu đối với nhà độc quyền mua và ngành cạnh tranh hoàn hảo khác nhau như thế nào (giả sử tiền lương tối thiểu cao hơn mức cân bằng thị trường)?

 

MỘT SỐ THUẬT NGỮ

TOP

 

Thuật ngữ

Viết tắt

Nguyên tiếng Anh

Thị trường yếu tố sản xuất

 

Factor market

Thị trường đầu ra

 

Output market

Hiệu ứng thay thế

 

Substitution effect

Hiệu ứng thu nhập

 

Income effect

Đường cầu lao động uốn ngược

 

Backward bending labor supply curve

Chi tiêu biên

ME

Marginal expense

Độc quyền mua

 

Monopsony

Độc quyền song phương

 

Bilateral monopoly

 


TopPreviousIndexHome